Sỏi tiết niệu là bệnh lý thường gặp, Việt Nam là 1 trong những nước có tỷ lệ mắc sỏi tiết niệu rất cao. Trong sỏi tiết niệu, sỏi niệu quản thường gặp đứng hàng thứ 2 sau sỏi thận, chiếm khoảng 1/3 số bệnh nhân đến khám bệnh về sỏi tiết niệu. Sỏi niệu quản là loại bệnh gây nhiều biến chứng nặng nề như ứ nước, ứ mủ, suy thận, nhiễm trùng, thậm chí tử vong và rất hay tái phát. Trước những năm 1980, sỏi niệu quản có chỉ định phẫu thuật đều phải mổ mở lấy sỏi. Hiện nay, điều trị sỏi niệu quản bằng các phương pháp ít xâm lấn như tán sỏi ngoài cơ thể, phẫu thuật nội soi, nội soi niệu quản ngược dòng tán sỏi bằng Laser được áp dụng ngày một phổ biến do những ưu điểm rõ ràng về tính an toàn và hiệu quả.

1. Sỏi niệu quản là gì?

Niệu quản (trong tiếng Anh là Ureter) là 1 đường ống dài khoảng 25cm dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang, càng xuống cuối niệu quản càng hẹp lại. Sỏi niệu quản được cấu tạo từ muối và khoáng chất trong nước tiểu kết tinh lại với nhau để tạo thành viên sỏi. Sỏi niệu quản nằm trong lòng niệu quản và gây cản trở dòng nước tiểu từ thận xuống bàng quang. Do sự tắc nghẽn này mà thận bị ứ đọng nước tiểu và gây ra các biến chứng nguy hiểm.

 

Sỏi niệu quản sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị

Sỏi niệu quản sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị

Sỏi có thể gặp ở bất cứ đoạn nào của niệu quản nhưng hay gặp nhất là 3 vị trí hẹp sinh lý của niệu quản: đoạn nối thận vào niệu quản, đoạn nối niệu quản vào bàng quang và đoạn niệu quản nằm phía trước động mạch chậu. Số lượng thường là 1 viên, đôi khi nhiều viên hay thành một chuỗi sỏi. Đoạn niệu quản có sỏi thường viêm dính dày lên, đoạn niệu quản trên dãn to, đoạn niệu quản dưới teo nhỏ, chít hẹp…

Sỏi niệu quản thường không gây đau đớn khi còn ở trong thận nhưng có thể gây ra cơn đau dữ dội khi những mảnh sỏi nhỏ rời khỏi thận và đi qua niệu quản đến bàng quang.

2. Biến chứng của sỏi niệu quản

2.1. Giãn đài bể thận và thận ứ niệu

Sỏi niệu quản gây cản trở lưu thông của đường bài xuất nước tiểu gây ứ trệ đường niệu phía trên dẫn đến giãn đài bể thận, sau đó ứ nước tăng dần nên làm căng giãn và chèn ép nhu mô thận dẫn đến tình trạng suy giảm dần chức năng thận và mất hoàn toàn chức năng thận nếu không được xử trí kịp thời.

2.2. Sỏi niệu quản gây nhiễm khuẩn hệ tiết niệu

Sỏi niệu quản gây ứ trệ nước tiểu trong hệ tiết niệu là nguyên nhân dẫn đến các tình trạng nhiễm trùng như viêm bể thận thận, viêm khe thận. Tình trạng nhiễm trùng kết hợp với ứ niệu gây thận ứ mủ, hoặc hư mủ thận. Nặng hơn có thể gây ra nhiễm khuẩn huyết.

2.3. Sỏi niệu quản gây tình trạng viêm kẽ thận mãn tính

Sỏi niệu quản kéo dài dẫn đến tình trạng viêm kẽ thận mãn tính, dẫn đến sơ teo thận, huyết áp cao.

2.4. Suy thận

Thường gặp trong trường hợp sỏi niệu quản nằm ở cả hai bên niệu quản, đây là biến chứng nặng nề. Có thể gặp suy thận cấp hoặc suy thận mãn và các mức độ suy thận nặng nhẹ khác nhau tuỳ thuộc vào đặc điểm của sỏi niệu quản.

2.5. Sỏi niệu quản gây ra viêm loét và xơ hoá

Thường tại vị trí của sỏi niệu quản, đây là nguyên nhân gây chít hẹp đường niệu sau khi đã phẫu thuật lấy sỏi niệu quản.

3. Các phương pháp điều trị sỏi niệu quản

Đối với sỏi niệu quản nhỏ, chưa gây ra biến chứng gì, có thể dùng các loại thuốc làm tan sỏi.

Tuy nhiên, bạn nên liên hệ với bác sĩ nếu có bất kỳ những vấn đề sau đây:

  • Đau quá nghiêm trọng mà bạn không thể ngồi yên hoặc tìm một tư thế giảm đau;
  • Đau kèm theo buồn nôn và ói mửa;
  • Đau kèm theo sốt và ớn lạnh;
  • Có máu trong nước tiểu;
  • Tiểu khó.

3.1. Điều trị nội khoa

Đối với kích thước viên sỏi nhỏ (<5mm) hoặc giai đoạn đầu của bệnh sỏi niệu quản và chưa có biến chứng, có thể cân nhắc tới hướng điều trị nội khoa. Đây được xem như là phương pháp khá an toàn, phù hợp với đại đa số người bệnh và còn đem lại sự hiệu quả trong điều trị. Để đạt được điều đó cần phải có sự kết hợp các giữa yêu cầu khi sử dụng thuốc như: Tăng khả năng bào mòn sỏi, rút ngắn thời gian điều trị. Tăng lượng nước tiểu qua thận để giúp đưa sỏi ra ngoài dễ dàng hơn. Chống viêm, chống nhiễm khuẩn, ngăn ngừa biến chứng.

3.2. Điều trị ngoại khoa

Các bác sĩ sẽ cân nhắc tới hướng điều trị ngoại khoa, lấy sỏi niệu quản ra ngoài, khi kích thước sỏi quá lớn gây ra những tổn thương và biến chứng nghiêm trọng, cần được cấp cứu tức thời. Hiện nay có rất nhiều phương pháp hiện đại ít xâm lấn được sử dụng như: Nội soi tán sỏi qua da mà không cần mổ, tán sỏi nội soi, mổ nội soi… Trong đó, nội soi niệu quản ngược dòng tán sỏi bằng Laser được áp dụng phổ biến nhất trên thế giới với những ưu điểm như hiệu quả cao ở mọi vị trí, kỹ thuật không quá phức tạp, săn sóc hậu phẫu nhẹ nhàng, bệnh nhân sớm hồi phục ra viện.

Tại Việt Nam, nội soi niệu quản ngược dòng tán sỏi bằng Laser đã được thực hiện từ những năm 80. Tuy nhiên phải tới những năm đầu của thế kỷ 21, kỹ thuật này mới thực sự phát triển mạnh, giữ vai trò chính trong điều trị sỏi niệu quản.

Nội soi niệu quản ngược dòng tán sỏi bằng Laser là phương pháp điều trị an toàn, ít xâm lấn

Nội soi niệu quản ngược dòng tán sỏi bằng Laser là phương pháp điều trị an toàn, ít xâm lấn

Về nguyên tắc, nội soi niệu quản ngược dòng tán sỏi bằng Laser áp dụng được cho tất cả sỏi niệu quản ở mọi vị trí, mọi kích thước. Trang thiết bị dụng cụ dùng trong kỹ thuật bao gồm: ống soi niệu quản, dây dẫn đường, nguồn năng lượng tán sỏi bằng Laser, dàn máy phẫu thuật nội soi, máy chụp X-quang C-arm, bộ nong niệu quản, rọ/kìm gắp sỏi, ống thông niệu quản các cỡ…

Kỹ thuật nội soi niệu quản ngược dòng tán sỏi bằng Laser được thực hiện dưới vô cảm toàn thân (mê nội khí quản) hoặc tê tuỷ sống.

Trước tiên, ống soi niệu quản được đưa từ niệu đạo vào bàng quang, phẫu thuật viên quan sát hình ảnh trên màn hình nội soi, xác định lỗ niệu quản bên có sỏi và luồn dây dẫn đường lên niệu quản. Ống soi sau đó được đưa lên niệu quản theo dây dẫn đường để tiếp cận tới viên sỏi. Một số trường hợp khó tiếp cận sỏi cần phải quan sát đồng thời màn hình nội soi và màn hình X-quang tăng sáng. Khi phẫu thuật viên quan sát được sỏi trên màn hình nội soi, sỏi sẽ được tán vụn bằng năng lượng LASER (dây laser được đưa vào để tán sỏi qua một đường ống rỗng bên trong ống soi niệu quản, gọi là “kênh làm việc”), hoặc bằng que tán siêu âm, hoặc xung hơi. Sau khi sỏi đã vỡ vụn, các mảnh sỏi được gắp ra ngoài bằng rọ hoặc kìm gắp sỏi.

Nội soi niệu quản ngược dòng tán sỏi bằng Laser là phẫu thuật theo đường ống tự nhiên của cơ thể (đường dẫn nước tiểu) nên không có vết mổ, không có các tai biến – biến chứng của phẫu thuật mở lấy sỏi, đạt tỷ lệ sạch sỏi 100%. Bệnh nhân có thể ăn nhẹ sau phẫu thuật 3 – 6 tiếng đồng hồ và ra viện sau 12 – 24 tiếng theo dõi.

Với những ưu điểm rõ rệt hơn so với tất cả các phương pháp can thiệp ngoại khoa khác, kỹ thuật nội soi niệu quản ngược dòng tán sỏi bằng LASER được áp dụng rỗng rãi tại các bệnh viện.