Sỏi tiết niệu (sỏi đường tiết niệu ) là những chất cứng được tạo thành từ các khoáng chất và muối có trong nước tiểu hình thành trong đường  tiết niệu. Bệnh sỏi tiết niệu cần được phát hiện sớm, theo dõi và điều trị kịp thời để tránh các biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng, suy thận,.. thậm chí tử vong.  Tùy vào vị trí mà sỏi tiết niệu gây ra các triệu chứng khác nhau. Vậy triệu chứng của sỏi tiết niệu ra sao? Những dấu hiệu nhận biết  sỏi tiết niệu như thế nào? Khi nào bạn cần đi khám bác sĩ?

Dấu hiệu nhận biết sỏi tiết niệu là gì?

Dấu hiệu nhận biết sỏi tiết niệu là gì?

1. Triệu chứng sỏi tiết niệu:

Đường tiết niệu người bình thường gồm 2 quả thận, 2 niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Sỏi tiết niệu có thể xảy ra bất kỳ bộ phận nào của đường tiết niệu.

Sỏi tiết niệu không gây ra triệu chứng cho đến khi nó di chuyển trong thận hoặc đi vào niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Phần lớn có biểu hiện lâm sàng khá phong phú.

  • Triệu chứng sỏi thận và sỏi niệu quản:
    • Đau vùng mạn sườn, thắt lưng: Đây là triệu chứng thường gặp nhất, chiếm 90% số bệnh nhân, có 2 cấp độ sau.
    • Đau cấp tính: Biểu hiện cơn đau quặn thận, cơn đau xuất hiện đột ngột, vị trí đau xuất phát ở vùng thắt lưng, tính chất đau dữ dội từng cơn lan xuống vùng bẹn sinh dục, bệnh nhân phải gập người cho đỡ đau, vã mồ hôi, mặt tái đi, lo lắng, có thể kèm buồn nôn, nôn mửa. Cơn đau đỡ dần nếu dùng thuốc giảm đau, giãn cơ và nghỉ ngơi.
    • Đau mạn tính: Bệnh nhân luôn có cảm giác nặng nề, đau tức, khó chịu vùng thắt lưng (một hoặc 2 bên) tính chất đau tăng khi vận động. Loại đau này thường gặp ở bệnh nhân có sỏi thận mà không bít tắc hoàn toàn.
Cơn đau quặn thận là triệu chứng chính của sỏi niệu quản

Cơn đau quặn thận là triệu chứng chính của sỏi niệu quản

    • Đái ra máu: Có thể đái máu vi thể hoặc đái máu đại thể. Đái máu toàn bãi, nước tiểu có màu hồng như nước rửa thịt.
    • Đái ra sỏi: là triệu chứng ít gặp nhưng rất có giá trị chẩn đoán.
  • Khi sỏi gây ra biến chứng có thêm các triệu chứng:
    • Đái ra mủ: Bệnh nhân đái đục toàn bãi, thường xuất hiện ở những bệnh nhân thận ứ mủ.
    • Đái buốt, đái rắt: khi có nhiễm khuẩn đường niệu.
    • Sốt: thường xảy ra khi có nhiễm khuẩn đường niệu, thường sốt cao rét run.
    • Nhức đầu, nôn, buồn nôn.
    • Dấu hiệu chạm thận, bập bềnh thận khi thận giãn to.
    • Dấu rung thận khi thận ứ mủ.
    • Ấn các điểm niệu quản trên và giữa tương ứng trên thành bụng.
Tiểu ra máu là một trong những dấu hiệu của sỏi tiết niệu

Tiểu ra máu là một trong những dấu hiệu của sỏi tiết niệu

  • Triệu chứng của sỏi bàng quang:

Triệu chứng bệnh sỏi bàng quang xuất hiện rõ ràng hoặc mờ nhạt phụ thuộc hoàn toàn vào kích thước viên sỏi. Nếu viên sỏi bé nó sẽ theo nước tiểu ra ngoài mà không gây triệu chứng gì. Tuy nhiên nếu không điều trị kịp thời viên sỏi sẽ to lên gây khó chịu cho người bệnh.

Khi viên sỏi trong lòng bàng quang gây ra tình trạng đái ngắt ngừng: Bệnh nhân đang đi tiểu đột nhiên tia tiểu tắc lại và đau vùng dương vật. Thay đổi tư thế lại có thể đái được.

  • Đái rắt: Số lần đi đái tăng lên do bệnh nhân đi lại vận động viên sỏi lăn trong bàng quang gây kích thích đi đái nhiều lần, nghỉ ngơi số lần đi tiểu giảm.
  • Đái buốt cuối bãi.
  • Đái đỏ cuối bãi.
  • Triệu chứng của sỏi niệu đạo:

Khi viên sỏi rơi xuống niệu đạo gây ra tình trạng tắc nghẽn cấp, gây ra các triệu chứng sau:

  • Đái khó
  • Đái rắt
  • Đái buốt đầu bãi
  • Bí đái cấp tính hoặc đái rỉ, có khi có cầu bang quang.
  • Sờ dọc niệu đạo từ trong ra ngoài thấy sỏi.

2. Dấu hiệu nhận biết sỏi tiết niệu:

Như đã nói ở trên tùy thuộc viên sỏi ở vị trí nào của hệ tiết niệu mà có thể gây ra các triệu chứng khác nhau. Tuy nhiên khi xuất hiện những dấu hiệu sau giúp bạn nhận biết bản thân có thể bị sỏi tiết niệu:

  • Đau dữ dội bên hông và lưng, bên dưới xương sườn, đau từng cơn, lan xuống mặt trong đùi.
  • Đau buốt khi đi tiểu.
  • Nước tiểu màu hồng, đỏ hoặc nâu.
  • Nước tiểu đục hoặc có mùi hôi.
  • Buồn nôn và ói mửa.
  • Đi tiểu liên tục, nhiều hơn bình thường.
  • Đi tiểu ít.
  • Sốt ớn lạnh nếu có nhiễm trùng.

3. Khi nào bạn cần đi khám bác sĩ

Bạn cần đi khám bác sĩ nếu có bất kỳ dấu hiệu nào làm bạn lo lắng.

Tuy nhiên bạn cần được chăm sóc y tế ngay lập tức khi có một trong các dấu hiệu sau:

  • Đau dữ dội bên hông và lưng đến mức mà bạn không thể ngồi yên hoặc tìm một vị trí thoải mái.
  • Đau bên hông và lưng kèm theo buồn nôn và nôn mửa
  • Đau kèm hông và lưng kèm theo sốt và ớn lạnh.
  • Có máu trong nước tiểu của bạn.
  • Tiểu đau buốt, tiểu khó.

Tóm lại, sỏi tiết niệu thường diễn tiến âm thầm không gây ra triệu chứng gì cho đến khi kích thước viên sỏi lớn hoặc di chuyển xuống niệu quản, bàng quang, niệu đạo. Dấu hiệu nhận biết sỏi tiết niệu thường gặp nhất là đau bụng, đau mỏi vùng thắt lưng nhất là vùng bụng phía bộ phận tiết niệu có sỏi. Khi bạn có những triệu chứng hay dấu hiệu nghi ngờ sỏi tiết niệu bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa để được khám tư vấn và điều trị kịp thời.