Một trong những biểu hiện thường gặp nhất là bệnh nhân có đi tiểu ra máu sau nội soi tán sỏi qua da. Tuy nhiên, có phải lúc nào đi tiểu ra máu sau nội soi tán sỏi thận qua da cũng là biến chứng nguy hiểm không? Chúng ta cần theo dõi biến chứng này như thế nào, khi nào cần tái khám chuyên khoa và điều trị biến chứng này ra sao? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây của chúng tôi.
Những điều cần biết về phương pháp nội soi tán sỏi thận qua da?
1.Tán sỏi thận qua da là gì?
Nội soi tán sỏi thận qua da là rạch một đường hầm nhỏ phía sau lưng qua da để đưa ống nội soi vào tiếp cận trực tiếp với viên sỏi thận, rồi sử dụng năng lượng Laser hoặc siêu âm để phá nhỏ và lấy vụn sỏi ra ngoài. Sau khi sỏi được lấy ra ngoài, bệnh nhân được đặt ống thông dẫn lưu bể thận qua vết mổ, sonde niệu đạo Foley.
2. Chỉ định:
Phương pháp mổ nội soi tán sỏi qua da có thể được áp dụng điều trị cho nhiều trường hợp sỏi thận: sỏi bể thận, sỏi có kích thước lớn, sỏi san hô, sỏi cứng hay sỏi nhóm đài dưới, sỏi thận kết hợp với tắc nghẽn đường niệu hay các dị dạng đường niệu; trường hợp bệnh nhân có chống chỉ định tương đối hay thất bại với tán sỏi ngoài cơ thể, sót sỏi sau mổ mở.
3. Ưu điểm:
Giúp người bệnh tránh được một cuộc mổ lớn, ít đau hơn, ít sang chấn hơn, bảo vệ được tối đa chức năng thận và nhanh hồi phục hơn.
Theo dõi sau mổ nội soi tán sỏi thận qua da:
1. Biểu hiện bình thường sau mổ:
Thường thì sau mổ nội soi tán sỏi qua da, nếu không có tai biến gì trong lúc mổ, bệnh nhân có thể:
- Đau nhẹ vùng lưng
- Đi tiểu ra máu số lượng ít( nước tiểu có màu hồng nhạt) khoảng 3-4 ngày sau can thiệp
- Kèm theo cảm giác hơi buốt, kích thích khi đi tiểu
- Bệnh nhân thường không cần phải dùng thuốc mà chỉ cần uống 2-3 lít nước/ ngày để các mảnh sỏi được đào thải qua nước tiểu tốt hơn. Việc phân biệt biểu hiện bình thường sau mổ với tiểu ra máu bất thường trong biến chứng sau mổ là vô cùng cần thiết.
2. Các biến chứng có thể xảy ra sau tán sỏi thận qua da:
- Chảy máu: là biến chứng thường gặp, nước tiểu bệnh nhân có máu.
- Nhiễm khuẩn đường niệu: bệnh nhân có thể có sốt, tiểu buốt rắt kèm nước tiểu đục, mủ, tiểu máu.
- Các biến chứng khác: rò nước tiểu kéo dài,…
Theo dõi đi tiểu ra máu sau mổ nội soi tán sỏi qua da thế nào?
1. Theo dõi trong tuần đầu sau mổ:
Thường bệnh nhân sẽ được theo dõi tại bệnh viện bởi các nhân viên y tế hoạc chính người nhà bệnh nhân bằng cách theo dõi:
- Sonde dẫn lưu thận và sonde tiểu: nước tiểu qua sonde có máu đỏ tươi, số lượng nhiều kèm theo đau vùng thắt lưng bên thận vừa mổ nhiều.
- Băng ở vị trí mổ có thấm nhiều dịch máu một cách bất thường không
- Ngoài ra, cũng cần theo dõi thêm các biểu hiện thiếu máu: qua các dấu hiệu lâm sàng và các xét nghiệm máu. Nếu bệnh nhân có thiếu máu thì thường là biểu hiện của biến chứng khá nguy hiểm vì khi đó bệnh nhân đang có mất máu.
- Khi có bất thường, bệnh nhân cần được thăm khám và làm thêm các xét nghiệm để tìm nguyên nhân và xử trí kịp thời.
2. Theo dõi trong những tuần tiếp theo sau mổ:
Bệnh nhân được xuất viện và có thể tự theo dõi tại nhà:
- Nếu nước tiểu có máu đỏ tươi, toàn bãi, số lượng nhiều, có thể kèm theo còn cảm giác buốt rắt (do còn sonde dẫn lưu JJ bên trong niệu quản) hay có ost hoặc cơn đau quặn thận,… thì cần tái khám lại ngay tại chuyên khoa tiết niệu để đánh giá nguyên nhân chảy máu và xử trí. Thường thì lúc này nguyên nhân chảy máu là từ trên thận.
- Nếu không đi tiểu ra máu bất thường sau nội soi tán sỏi thận qua da thì bệnh nhân sẽ được hẹn tái khám sau 1 tháng, chụp X- Quang để đánh giá hiệu quả tán sỏi và kiểm tra hay rút sonde JJ.
Chế độ sinh hoạt và ăn uống sau mổ nội soi tán sỏi thận qua da:
1. Chế độ nghỉ ngơi:
- Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần nghỉ ngơi hợp lí tại giường, có thể đi lại, vận động nhẹ nhàng; tránh các hoạt động mạnh, gắng sức đặc biệt ở vùng thắt lưng, tránh các mang vác nặng.
- Sau khi xuất viện có thể đi làm trở lại với các công việc văn phòng, tuy nhiên cần tránh ngồi lâu một chỗ gây đau mỏi vùng thắt lưng.
2. Chế độ ăn uống sau mổ tránh biến chứng và sỏi tái phát:
- Uống nhiều nước để tăng đào thải vụn sỏi( nếu còn) và tránh tạo sỏi tái phát. Lượng nước cần thiết cho 1 người/ ngày( lít) = trọng lượng cơ thể( kg)x 0.033, nếu có thêm hoạt động thể lực nhiều thì bổ sung thêm khoảng 350 ml nước.
- Giảm lượng thức ăn chứa nhiều oxalat, canxi,…
- Không nên nhịn tiểu
- Thận trọng cân nhắc khi dùng 1 số thuốc có thể làm tăng lắng đọng sỏi: Acyclovir, glucocorticoit, vitamib D,…
Nhìn chung, việc đi tiểu ra máu sau mổ nội soi tán sỏi thận qua da có thể chỉ là một triệu chứng thường gặp và không gây nguy hiểm cho người bệnh. Tuy nhiên cũng có thể chỉ điểm một biến chứng sau can thiệp. Do vậy, nếu phát hiện hay thậm chí chỉ nghi ngờ đi tiểu ra máu bất thường sau mổ thì bệnh nhân cần liên lạc với bác sĩ chuyên khoa tiết niệu hoặc đến các cơ sở y tế uy tín để được tư vấn và thăm khám, xử trí kịp thời.
Chúng tôi hi vọng bài viết trên hữu ích với bạn. Chúc bạn có sức khỏe tốt!