Niệu quản là thành phần của hệ tiết niệu, một ống cơ dài khoảng 25cm, có nhiệm vụ dẫn nước tiểu từ bể thận xuống bàng quang. Từ trên xuống dưới niệu quản có 3 vị trí hẹp sinh lý: chỗ nối bể thận – niệu quản, vị trí niệu quản bắt chéo bó mạch chậu và ở trong thành bàng quang. Hẹp niệu quản gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, có thể dẫn tới suy thận.
1. Định nghĩa.
Hẹp niệu quản là tình trạng khẩu kính niệu quản bị hẹp lại gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, gây tắc nghẽn đường tiết niệu phía trên vị trí hẹp, rối loạn bài xuất nước tiểu từ thận xuống bàng quang.
2. Nguyên nhân hẹp niệu quản.
2.1. Nguyên nhân tại chỗ.
- Sỏi niệu quản.
- Nhiễm trùng (lao niệu sinh dục, bệnh sán máng…).
- Ung thư niệu quản.
- Hẹp niệu quản bẩm sinh.
- Cục máu đông trong niệu quản do tiểu máu.
2.2. Nguyên nhân khác.
- Hẹp niệu quản do biến chứng sau xạ trị hay chấn thương trong phẫu thuật (nội soi niệu quản, phẫu thuật trực tràng, cắt tử cung hoặc phẫu thuật mạch máu…).
- Những cơ quan lân cận bị viêm gây chèn ép niệu quản.
- Ở phụ nữ khi mang thai, tử cung tăng kích thước có thể chèn ép niệu quản (bên phải nhiều hơn bên trái) và có thể gây viêm đài bể thận.
- Lạc nội mạc tử cung, khối u vùng cổ tử cung, buồng trứng…
- Phình động mạch chủ, động mạch thận.
3. Triệu chứng hẹp niệu quản.
Hẹp niệu quản thường tiến triển chậm và không có triệu chứng. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh hoặc biến chứng do hẹp niệu quản mà bệnh nhân có biểu hiện đau vùng hông lưng, cơn đau quặn thận, sốt, đái máu.
4. Chẩn đoán.
Để chẩn đoán hẹp niệu quản ta cần:
- Siêu âm thận: đánh giá mức độ ứ nước của thận.
- Chụp CT scan ổ bụng: nguyên nhân gây hẹp niệu quản.
- Đánh giá chức năng thận.
- Nội soi ngược dòng niệu quản để chẩn đoán xác định và đánh giá độ dài của đoạn hẹp. Trong những trường hợp nghi ngờ có hẹp niệu quản nhưng hình ảnh học không rõ ràng nên tiến hành sinh thiết để chẩn đoán.
5. Điều trị hẹp niệu quản.
Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ tắc nghẽn của đường tiết niệu ta lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp, nhằm giải quyết nguyên nhân bên ngoài hay bên trong gây hẹp niệu quản:
- Đặt stent niệu quản: là phương pháp điều trị ban đầu khi có triệu chứng thận ứ nước. Khi giải quyết được nguyên nhân gây hẹp niệu quản, có thể rút stent niệu quản sau vài tuần.
- Nong niệu quản bằng bóng: sau khi chụp niệu quản – bể thận ngược dòng, bóng được đưa vào niệu quản theo dây dẫn. Bóng được bơm lên có đường kính 4 – 6mm, stent niệu quản được đặt trong khoảng 2 – 4 tuần. Tỷ lệ thành công 50 – 70%. Phương pháp này phù hợp cho đoạn hẹp dưới 2cm và cho hẹp sau khi bị sỏi niệu quản.
- Rạch đoạn niệu quản qua nội soi: sau phẫu thuật rạch niệu quản nội soi bằng dao lạnh hoặc tia laser, bệnh nhân được đặt stent niệu quản từ 8 – 10 tuần. Tỷ lệ thành công cao hơn một chút so với nong niệu quản bằng bóng.
- Cắt nối đoạn niệu quản: thích hợp cho đoạn hẹp có chiều dài < 3cm ở niệu quản ⅓ trên và ⅓ giữa; với đoạn có chiều dài 4 – 5cm ở niệu quản ⅓ dưới với sự trợ giúp của kỹ thuật kéo cơ thắt lưng.
- Sử dụng hồi tràng tái tạo niệu quản: áp dụng khi đoạn hẹp niệu quản dài như một phương án điều trị cuối cùng. Chống chỉ định thay thế đoạn niệu quản bằng hồi tràng khi suy thận, có rối loạn chức năng bàng quang, bệnh viêm ruột hay ruột bị tổn thương bởi tia xạ.
- Phẫu thuật cắt thận: thận còn lại có chức năng tốt, không có nguy cơ tắc nghẽn, thận bên có hẹp niệu quản mất chức năng.