Trong các nguyên nhân dẫn tới sỏi thận thì chế độ ăn đóng một phần vô cùng quan trọng. Do đó để phòng tránh bệnh sỏi thận thì ngoài việc có một thói quen sinh hoạt và tập luyện chúng ta cần phải có một chế độ ăn hợp lý nhằm hạn chế được quá trình lắng đọng và kết tinh các chất khoáng trong nước tiểu hình thành sỏi. Như vậy thế nào là một chế độ ăn đúng để phòng bệnh sỏi thận? Mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây của chúng tôi.

1. Chế độ ăn phòng bệnh sỏi thận

Chế độ ăn và thói quen sinh hoạt không đúng là một trong những nguyên nhân và yếu tố chính thúc đẩy quá trình hình thành sỏi thận. Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, nhiều người trong chúng ta có thói quen ngồi lâu một chỗ, ít vận động thể dục thể thao, uống ít nước, nhưng lại sử dụng nhiều rượu, bia, các loại thức ăn nhanh, đồ ăn chế biến sẵn, đồ ăn chiên xào, chế độ ăn nhiều đạm ít rau xanh…. Việc lựa chọn sử dụng nhiều loại thực phẩm không hợp lý dẫn đến sự mất cân bằng của các chất cung cấp vào trong cơ thể, đặc biệt là calci và oxalat, từ đó làm dư thừa và tăng đào thải qua thận, tăng nguy cơ hình thành sỏi thận. Do đó mỗi người cần xây dựng cho mình một chế độ ăn khoa học là hết sức cần thiết để phòng tránh sỏi thận.

 

Phòng bệnh sỏi thận nên ăn như thế nào?

Phòng bệnh sỏi thận nên ăn như thế nào?

1.1. Calci

Có khoảng 80% sỏi thận là calci oxalat. Do đó chúng ta thường nghĩ rằng để phòng bệnh sỏi thận thì cần phải giảm lượng calci cung cấp hàng ngày cho cơ thể. Tuy nhiên đây là một quan điểm sai lầm vì khi lượng calci trong cơ thể thấp sẽ ảnh hưởng đến khả năng hấp thu oxalate ở ruột, dẫn đến lượng oxalat không được hấp thu hết sẽ đào thải qua nước tiểu làm tăng nguy cơ hình thành sỏi oxalat. Vậy chế độ ăn hàng ngày cần bao nhiêu calci là hợp lý? Theo nghiên cứu của FDA (Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ) thì lượng calci cần cung cấp hàng ngày dao động từ 1000-1200 mg. Đây là lượng calci lý tưởng cho cả việc bảo vệ chống mất calci ở xương do tăng calci niệu vô căn đồng thời giảm đào thải oxalat qua nước tiểu.

Các thực phẩm cung cấp calci tự nhiên như: sữa, phô mai, sữa đậu nành, sữa chua, lòng đỏ trứng…. Tuy nhiên không nên tự ý bổ sung calci đơn chất dưới dạng viên uống, các trường hợp cần sử dụng thuốc cần được sự tư vấn của bác sĩ.

Các thực phẩm chứa nhiều calci.

Các thực phẩm chứa nhiều calci.

1.2. Muối (Natri)

Natri và calci có mối quan hệ mật thiết với nhau, lượng natri trong nước tiểu càng thấp thì lượng calci càng thấp. Những người có thói quen ăn mặn có nguy cơ cao bị sỏi thận, tăng huyết áp….so với những người không ăn mặn. Do đó một chế độ ăn kết hợp giữa lượng natri thấp và calci cao sẽ giúp chúng ta giảm được việc hình thành sỏi thận. Chúng ta chỉ nên ăn dưới 2300 mg natri mỗi ngày, đối với những người có tăng huyết áp thì lượng natri cung cấp hàng ngày nên dưới 1500 mg.

Để có đảm bảo được lượng natri cung cấp hàng ngày không quá nhiều chúng ta cần chú ý lượng muối cho vào trong khi đun nấu thức ăn, hạn chế các loại thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh hay các thực phẩm đóng hộp như kim chi, lạp sườn, xúc xích….

1.3. Đường

Đường cũng là một yếu tố nguy cơ làm tăng hình thành sỏi thận, do đó để phòng bệnh sỏi thận ta nên có một chế độ ăn ít đường, đặc biệt là fructose. Bởi khi nồng độ đường tăng cao dẫn đến tăng nồng độ của calci, oxalat, aicd uric trong nước tiểu tạo điều kiện hình thành sỏi thận. Vì vậy chúng ta chỉ nên sử dụng từ 1-2 thìa cà phê đường mỗi ngày.

Đường cũng có nhiều trong các loại thực phẩm có chứa tinh bột. Nên sử dụng khoảng 300gram tinh bột mỗi ngày: gạo, khoai tây, bánh mỳ….

1.4. Protein

Các loại protein động vật khi cung cấp một lượng quá nhiều vào cơ thể, sẽ làm tăng lượng acid uric trong nước tiểu tăng hình thành sỏi uric. Lượng protein từ động vật như: thịt bò, thịt gà, cá, tôm…cần cung cấp một ngày khoảng 0,8 gram/ 1kg trọng lượng cơ thể và không quá 1 gram/ 1kg trọng lượng cơ thể/ 1 ngày.

Sử dụng các loại protein từ thực vật để thay thế protein động vật như: các loại đậu, ngũ cốc… để phòng bệnh sỏi thận.

1.5. Oxalat

Sử dụng các loại thức ăn có chứa nhiều oxalat với một lượng lớn cũng làm tăng nguy cơ bị sỏi thận. Do đó khi sử dụng các loại sản phẩm có chứa oxalat bạn nên sử dụng cùng các sản phẩm có chứa nhiều calci, vì calci sẽ giúp tăng hấp thu oxalat ở ruột, giảm lượng oxalat đưa tới thận từ đó giảm nguy cơ hình thành sỏi thận. Lượng oxalat phù hợp từ 50-200mg/ ngày.

Các loại sản phẩm chứa nhiều oxalat chúng ta cần lưu ý: sô cô la, nước chè, khoai lang, củ cải đường….

1.6. Nước

Uống đủ nước là một cách đơn giản và hiệu quả giúp chúng ta phòng bệnh sỏi thận. Nước giúp tăng thể tích nước tiểu, làm giảm nồng độ của các chất khoáng hòa tan cũng như giảm thời gian nước tiểu lưu lại trong đường tiết niệu làm cho các chất như calci, acid uric, oxalat không kết tinh với nhau tạo thành sỏi. Lượng nước chúng ta cần cung cấp cho cơ thể hàng ngày nên từ 2,5 – 3 lít nước, tốt nhất nên sử dụng nước lọc.

Ngoài ra để phòng bệnh sỏi thận chúng ta có thể sử dụng thêm các loại nước được nấu từ râu ngô, kim tiền thảo, mã đề, các loại nước hoa quả như cam, chanh….để uống hàng ngày cũng rất hiệu quả. Đồng thời hạn chế các đồ uống có ga, cũng như các loại rượu, bia.

Uống từ 2,5-3 lít nước mỗi ngày.

Uống từ 2,5-3 lít nước mỗi ngày.

2. Tổng kết

Việc có một chế độ ăn đúng sẽ giúp bạn phòng tránh được sỏi thận và những phiền toái mà nó mang lại. Bằng cách tạo cho bản thân một thói quen uống nhiều nước mỗi ngày, hạn chế sử dụng các loại thực phẩm có chứa nhiều đường và muối, không ăn quá nhiều thịt, bổ sung các sản phẩm có nhiều calci, đồng thời kết hợp với một chế độ luyện tập thể dục thể thao hợp lý sẽ giúp bạn có một sức khỏe tốt, tránh được sỏi thận.