Với sự phát triển của phương pháp can thiệp ít xâm lấn trong điều trị sỏi thận đã giúp hạn chế các tai biến và biến chứng so với phương pháp mổ mở trước đây. Các phương pháp điều trị được áp dụng rộng rãi hiện nay như tán sỏi thận nội soi bằng ống mềm, tán sỏi thận qua da bằng đường hầm nhỏ với nhiều ưu điểm, giúp bệnh nhân tránh được một cuộc mổ lớn, ít đau đớn, rút ngắn thời gian nằm viện, phục hồi nhanh và bảo tồn tối đa chức năng thận… Tuy nhiên vẫn có thể xảy ra các tai biến và biến chứng trong quá trình điều trị sỏi thận bằng các phương pháp trên.

Hình ảnh sỏi san hô trong thận.

Hình ảnh sỏi san hô trong thận.

1. Tai biến, biến chứng của tán sỏi thận bằng ống mềm.

Mặc dù với sự phát triển của kỹ thuật tán sỏi nội soi ống mềm cùng với các trang thiết bị hiện đại nhưng các tai biến, biến chứng vẫn có thể xảy ra tùy thuộc vào kinh nghiệm của phẫu thuật viên.

1.1. Tai biến trong khi tán sỏi.

Tổn thương niệu quản với các mức độ khác nhau như: đụng dập hay xước niêm mạc niệu quản, bong hay lộn niêm mạc niệu quả, thủng niệu quản, rách niệu quản, sỏi đẩy ra ngoài thành niệu quản qua chỗ rách, đứt niệu quản. Các tổn thương này chủ yếu gây ra bởi can thiệp thô bạo, nếu đặt ống thông nong niệu quản trước đó thì sẽ giảm thiểu tai biến này xảy ra. Tổn thương niệu quản đa số được phát hiện ngay trong quá trình tán sỏi, một số ít trường hợp phát hiện muộn sau tán sỏi khi bệnh nhân có các biểu hiện sốt, đau vùng hông lưng, áp xe quanh thận…

Những yếu tố liên quan đến biến chứng tổn thương niệu quản:

  • Thành niệu quản xung yếu do sỏi bám dính lâu ngày gây viêm nhiễm làm biến đổi cấu trúc mô học, mất các lớp sợi collagen, mất tính đàn hồi thay vào đó là các tổ chức xơ.
  • Tán sỏi theo cơ chế cơ học thành niệu quản phải chịu tác động của 2 lực, một lực rung theo phương ngang và một lực đẩy của điện cực tác động vào viên sỏi tới thành niệu quản, nếu thành niệu quản yếu có thể bị tổn thương.
  • Niệu quản gấp khúc.
  • Những trường hợp bênh nhân có sỏi rắn, ở vị trí cao, niêm mạc phù nề che khuất sỏi. + + + Động tác, kỹ thuật của bác sĩ chưa thành thục.

Tùy theo mức độ tổn thương của niệu quản mà có thái độ xử trí khác nhau như đặt sonde JJ, mổ tạo hình lại niệu quản đối với đứt niệu quản.

Dụng cụ tán sỏi thận nội soi ống mềm.

Dụng cụ tán sỏi thận nội soi ống mềm.

1.2. Biến chứng sau tán sỏi.

Chảy máu: sau quá trình tán sỏi nước tiểu bệnh nhân thường lẫn máu, màu hồng nhạt nhưng đa phần không phải can thiệp gì thêm. Nguyên nhân chảy máu là do tổn thương niệu quản.

Nhiễm trùng tiết niệu: dấu hiệu cảnh báo bệnh nhân sốt sau tán sỏi (một số trường hợp có sốt nhưng không do nhiễm trùng). Nguyên nhân có thể do vô khuẩn không được đảm bảo trong quá trình thực hiện can thiệp, các yếu tố làm tăng thêm nguy cơ nhiễm trùng sau can thiệp như sót sỏi, sỏi nhiễm khuẩn, thời gian tán sỏi kéo dài… Do đó để tránh biến chứng nhiễm trùng sau tán sỏi thận bằng ống mềm phải đảm bảo khâu vô khuẩn trong quá trình tán sỏi, đồng thời kiểm soát tốt tình trạng nhiễm trùng trước khi thực hiện can thiệp, điều trị bệnh nhân có nhiễm trùng tiết niệu ổn định (nếu có) và sử dụng kháng sinh dự phòng.

Hẹp niệu quản: là biến chứng gặp sau khi tổn thương niệu quản trong quá trình tán sỏi. Tùy thuộc vào mức độ của hẹp niệu quản sau đó có thể nong niệu quản nội soi hoặc mổ cắt đoạn niệu quản.

Tắc niệu quản do máu cục, mảnh vụn của viên sỏi hay phù nề niêm mạc. Bệnh nhân có cơn đau quặn thận do tắc niệu quản cấp tính, đa số được điều trị nội khoa bảo tồn.

2. Tai biến, biến chứng của tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ.

2.1. Tai biến trong tán sỏi.

Chảy máu lớn: chủ yếu chảy máu từ đường hầm nong vào thận do tổn thương tĩnh mạch cổ dài. Một số trường hợp tổn thương động mạch trong khi làm can thiệp gây chảy máu nhiều, dịch rửa màu đỏ tươi có khi gây thiếu máu cục bộ, phải chuyển mổ mở để cầm máu.

Ngộ độc nước khi tiến hành rửa.

Nước thoát ra ngoài trong quá trình tán sỏi thận: nước thoát vào lòng tĩnh mạch gây chảy máu tĩnh mạch, nước thoát ra khoang sau phúc mạc hay vào trong khoang phúc mạc. Để giảm bớt tai biến do nước thoát ra ngoài ta nên sử dụng nước muối sinh lý.

Thủng đài bề thận.

Tổn thương các tạng khác như: phổi, gan, lách, thủng ruột, thủng tá tràng…

2.2. Biến chứng sau tán sỏi.

Cũng giống như phương pháp can thiệp tán sỏi thận nội soi ống mềm, các biến chứng sau tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ là:

Chảy máu sau can thiệp tán sỏi: là biến chứng thường gặp, đôi khi phải truyền máu. Các yếu tố làm tăng nguy cơ chảy máu như vào thận theo đường đài trên, sỏi san hô, sỏi trên thận đơn độc, dùng nhiều đường hầm lấy sỏi và kinh nghiệm của phẫu thuật viên.

Nhiễm trùng sau mổ.

Các biến chứng khác:

  • Rò nước tiểu kéo dài biểu hiện rò nước tiểu qua chỗ chọc và nong đường hầm vào thận. Nhiều nguyên nhân gây nên biến chứng này, trong đó hay gặp là do hoại tử nhu mô chỗ chọc và nong đường hầm.
  • Thoát thuốc cản quang ra ngoài trong phẫu thuật.