Sỏi tiết niệu là bệnh lý chiếm tới hơn 30% tổng số bệnh nhân tiết niệu và phát hiện trong 2%- 3% dân số của thế giới với tỷ lệ tái phát cao tới 50% . Trong đó, sỏi niệu quản chiếm khoảng 20% tổng số sỏi của hệ thống tiết niệu . Sỏi niệu quản ảnh hưởng nhanh nhất đến chức năng thận gây suy thận và phải tiến hành chạy thận nhân tạo như theo thống kê hàng năm ở Mỹ có tỷ lệ tương ứng là 8.3% và 2.8%. Những điểm đáng gì lại khiến sỏi niệu quản thường bị bỏ sót và gây ra những biến chứng nguy hiểm như: viêm đài bể thận cấp, ứ nước ứ mủ, suy thận cấp, tăng huyết áp,….
1. Các cơ chế gây tổn thương hệ thống dẫn nước tiểu của sỏi niệu quản.
Sỏi gây tổn thương trên hệ thống dẫn nước tiểu theo 3 cơ chế cơ bản: chèn ép tắc nghẽn, cọ sát cắt cứa, nhiễm khuẩn.
Chèn ép tắc nghẽn: là hình thức tác động phổ biến và nguy hiểm nhất tới hình thái sinh lý và chức năng của thận. Kích thước, vị trí và hình thể sỏi quyết định mức độ tắc hoàn toàn hay không hoàn toàn, cấp tính hay mãn tính và gây tăng áp lực hệ thống tiết niệu phía trên sỏi.
- Tắc nghẽn hoàn toàn và đột ngột, áp lực xoang thận tăng cao, làm tăng áp lực thuỷ tĩnh ở bao Bowmann, do đó làm triệt tiêu áp lực lọc và thận sẽ ngừng bài tiết. Khi hiện tượng này xảy ra đồng thời ở 2 bên hệ tiết niệu sẽ dẫn đến tình trạng vô niệu do sỏi.
- Tắc nghẽn không hoàn toàn tiến triển mạn tính, áp lực xoang thận tăng lên từ từ làm dãn dần xoang thận, nhu mô thận mỏng dần, dung tích đài bể thận tăng lên, niệu quản trên sỏi dãn to, đường kính đạt 20-30mm, gây mất nhu động và xơ hoá niệu quản. Lúc này nhu mô thận bị teo đét, xơ hoá và chức năng thận sẽ bị mất.
Cọ xát : Sỏi tiết niệu, sỏi cứng, gai (sỏi oxalat, sỏi urat) gây cọ sát, cứa rạch vào tổ chức thận niệu quản gây chảy máu kéo dài trong hệ tiết niệu. Tổn thương tổ chức tạo điều kiện cho nhiễm khuẩn niệu phát triển, đồng thời khởi động cho quá trình phát triển xơ hoá ở nhu mô thận và ở thành ống dẫn niệu. Kết quả là sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chức năng thận cũng như làm hẹp dần đường dẫn niệu, càng làm nặng thêm tình trạng bế tắc.
Nhiễm khuẩn: Sự tắc nghẽn và tổn thương tổ chức trên hệ tiết niệu là những yếu tố thuận lợi để phát triển nhiễm khuẩn. Nhiễm khuẩn niệu gây phù nề, xước loét sâu sắc hơn, đẩy nhanh quá trình xơ hoá, hoại tử tổ chức thận và thành ống dẫn niệu. Kết cục cũng dẫn đến tổn thương chức năng và hình thể thận và niệu quản.
2. Các giai đoạn tiến triển của sỏi niệu quản
Quá trình phát triển và gây biến chứng của sỏi có thể chia thành 3 giai đoạn
2.1. Giai đoạn sớm: sỏi hình, di chuyển và chưa gây ứ tắc đường niệu
Triệu chứng:
- Đau là triệu chứng thường gặp nhất chiếm trên 90%. Có 2 mức độ: Cơn đau quặn thận, xuất phát ở vùng thắt lưng lan xuống vùng bẹn sinh dục, đau dữ dội, khi nghỉ ngơi hay dùng thuốc giãn cơ trơn thì đỡ đau. Đau âm ỉ cảm giác nặng nề, đau tức khó chịu vùng thắt lưng tăng khi vận động, triệu chứng đau âm ỉ thường bị bỏ qua do sỏi với kích thước nhỏ di chuyển gây ra những cơn đau tái diễn.
- Rối loạn tiểu bao gồm tiểu buốt tiểu dắt khi có nhiễm khuẩn tiết niệu, tiểu không hết bãi các triệu chứng diễn biến theo từng đợt.
- Đái máu sau lao động vận động xuất hiện đau và đái máu toàn bãi, nước tiểu có màu hồng như màu nước rửa thịt, không có máu cục.
- Đái ra sỏi có thể gặp.
- Tăng huyết áp.
- Sốt cao có rét run: gặp khi có biến chứng nhiễm khuẩn niệu nặng..
Các triệu chứng trên vẫn tái diễn kể cả sau những đợt điều trị sỏi và là dấu hiệu của việc sỏi niệu quản tái phát.
Điều trị: Nội khoa, áp dụng với sỏi < 5mm.
Biến chứng:
- Giãn đài bể thận, giãn niệu quản phía trên do cản trở lưu thông của đường bài xuất nước tiểu.
- Nhiễm khuẩn hệ tiết niệu:viêm bể thận thận, viêm thận kẽ, nhiễm khuẩn ngược dòng… do nước tiểu bị cản trở dẫn đến giảm sức rửa trôi vi khuẩn tại đường bài xuất .
- Xơ teo thận, huyết áp cao do viêm khe thận mãn tính kéo dài dẫn đến xơ hóa tổ chức kẽ và giảm mức lọc cầu thận, huyết áp tăng lên để đảm bảo mức lọc tại cầu thận.
- Suy thận do mức lọc cầu thận giảm kéo dài, rối loạn chức năng thận.
- Chít hẹp niệu quản do sỏi cọ sát và nhiễm khuẩn thời gian dài.
2.2. Giai đoạn cần can thiệp
Triệu chứng:
- Cơn đau quặn thận, xuất phát ở vùng thắt lưng lan xuống vùng bẹn sinh dục, đau dữ dội, khi nghỉ ngơi hay dùng thuốc giãn cơ trơn thì đỡ đau.
- Tiểu buốt, tiểu đau, không hết bãi, luôn có cảm giác muốn đi tiểu.
- Đái máu sau lao động vận động xuất hiện đau và đái máu toàn bãi, nước tiểu có màu hồng như màu nước rửa thịt, không có máu cục.
- Các triệu chứng khác như sốt cao rét run,…
Điều trị: Lấy sỏi ít can thiệp, áp dụng với sỏi từ 5mm- 2cm.
Biến chứng: Giãn đài bể thận, chưa gây biến chứng nặng (có thể hồi phục chức năng thận sau phẫu thuật lấy sỏi).
2.3. Giai đoạn muộn
Triệu chứng:
- Cơn đau quặn thận
- Rối loạn tiểu, tiểu buốt tiểu rắt.
- Đái máu toàn bãi, nước tiểu có màu hồng như màu nước rửa thịt, không có máu cục, tiểu mủ
- Sốt cao rét run liên tục.
- Buồn nôn chóng mặt,…
Điều trị: Ngoại khoa + nội khoa.
Biến chứng: Sỏi đã gây biến chứng nặng
- Tại thận : nhiễm khuẩn,suy thận cấp, ứ niệu, ứ mủ thận, viêm thận bể thận xơ teo.
- Tại niệu quản : xơ teo, thủng, giãn, nhiễm khuẩn.
3. Các chỉ định điều trị sỏi niệu quản.
Nội khoa :
- Sỏi nhỏ đường kính < 5mm, thuôn, nhẵn, nằm ở những vị trí có thể di chuyển ra ngoài theo đường tự nhiên.
- Chưa có biến chứng : giãn đài bể thận, nhiễm khuẩn , chức năng thận bảo đảm.
- Đường bài xuất nước tiểu còn nguyên vẹn.
- Thể trạng của bệnh nhân tốt.
Ngoại khoa:
- Sỏi có kích thước > 7mm, sỏi san hô hoặc tại nhiều vị trí khác nhau.
- Sỏi thận có biến chứng.
- Các trường hợp không áp dụng được điều trị nội khoa.
Niệu quản là bộ phận quan trọng của hệ thống bài xuất nước tiểu, là đường dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang. Sỏi niệu quản là tình trạng sỏi hình thành và nằm trong lòng niệu quản gây tắc nghẽn đường dẫn nước tiểu, tình trạng ứ đọng nước tiểu, dẫn đến suy giảm chức năng thận, nhiễm khuẩn thận và niệu quản, giãn đài bể thận và niệu quản, thận giãn to và mỏng dần và hậu quả cuối cùng là suy thận, xơ teo thận không hồi phục.