Sỏi niệu quản là bệnh l‎ý phổ biến, chiếm 28% tống số các bệnh tiết niệu tại Việt Nam. Tùy theo vị trí sẽ có sỏi niệu quản ở 1/3 trên, sỏi niệu quản ở 1/3 giữa và sỏi niệu quản ở 1/3 dưới. Đây là loại bệnh gây nhiều biến chứng nặng nề như ứ nước, ứ mủ, suy thận, nhiễm trùng, thậm chí tử vong và rất hay tái phát. Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì hoàn toàn có thể chữa sỏi niệu quản tận gốc.

1. Nguyên nhân gây sỏi niệu quản

1.1. Do bị sỏi thận

Sỏi niệu quản do sỏi từ thận rơi xuống (80%). Lý thuyết hình thành loại sỏi này giống như sỏi thận, cần lưu ý một câu nói trong y văn kinh điển: “sỏi niệu quản là con đẻ của sỏi thận. Nhưng từ lúc vừa sinh ra, nó đã tìm mọi cách để giết mẹ nó”.

1.2. Hậu quả của các bệnh khác

Bệnh gout, bệnh tuyến giáp, viêm lao, giang mai, thương tổn niệu quản do các phẫu thuật khác gây nên… là những nguyên nhân thường gặp gây ra sỏi niệu quản.

1.3. Dị dạng niệu quản bẩm sinh

Một số dị dạng niệu quản bẩm sinh như: niệu quản phình to, niệu quản tách đôi, niệu quản sau tĩnh mạch chủ… đó là các yếu tố làm dễ cho sự ứ đọng nước tiểu dẫn đến sự lắng đọng các tinh thể để kết tụ thành sỏi niệu quản.

1.4. Tăng bất thường can-xi trong máu

Do can-xi huyết tăng cao khiến can-xi niệu cũng tăng; hoặc u bướu ở tuyến giáp làm rối loạn tuyến chuyển hóa can-xi; hay có thể do viêm nhiễm mãn tính… từ đó làm tăng nguy cơ dẫn đến hình thành sỏi niệu quản.

 

Sỏi niệu quản nếu không điều trị có thể gây biến chứng nguy hiểm.

Sỏi niệu quản nếu không điều trị có thể gây biến chứng nguy hiểm.

1.5. Nước tiểu bị quá bão hòa về muối canxi:

Tình trạng nước tiểu bị quá bão hòa về muối canxi do tăng hấp thu canxi ở ruột hoặc tăng tái hấp thu canxi ở ống thận. Xét nghiệm nước tiểu sẽ thấy canxi niệu tăng rất cao. Bình thường thận đào thải khoảng 300mg canxi qua nước tiểu trong 1 ngày, trong trường hợp nước tiểu bị quá bão hòa về muối canxi, lượng canxi đào thải qua nước tiểu có thể tăng lên sẽ làm tăng nguy cơ mắc sỏi niệu quản.

1.6. Giảm citrat niệu

Citrat niệu có tác dụng ức chế kết tinh các muối canxi. Khi có toan máu, nhiễm khuẩn tiết niệu, hạ kali máu thì thường citrat niệu giảm. Khi thiếu citrat nước tiểu sẽ bão hòa muối canxi tạo điều kiện kết tinh tạo thành sỏi niệu quản.

1.7. Nước tiểu bị quá bão hòa về oxalat

Ăn các thức ăn như rau chút chít, đại hoàng hoặc trong trường hợp ngộ độc vitamin C sẽ dẫn đến tăng nồng độ oxalat trong nước tiểu, làm tăng nguy cơ hình thành sỏi oxalat.

1.8. Chế độ ăn uống

Thông thường các thành phần của sỏi sẽ hòa tan trong nước tiểu, nhưng do những yếu tố kết tinh, các tinh thể ngưng kết lại tạo thành một khối. Tình trạng đường tiểu bị bế tắc cũng gây ra sỏi niệu quản. Thói quen uống ít nước, cộng với môi trường sống nóng bức cũng là nguy cơ gây sỏi niệu; những người làm nghề thợ hồ… có nguy cơ cao mắc sỏi niệu.

2. Dấu hiệu của sỏi niệu quản

  • Đau vùng mạng sườn thắt lưng

Đây là triệu chứng hay gặp nhất, chiếm trên 90% số BN, đây cũng là lý do chính BN đi khám bệnh. Có 2 mức độ:

    • Đau cấp tính: điển hình là cơn đau quặn thận, cơn đau xuất hiện đột ngột sau lao động và vận động, vị trí đau xuất phát ở vùng thắt lưng, tính chất đau là đau dữ dội từng cơn đau lan xuống vùng bẹn sinh dục không có tư thế giảm đau. Khi nghỉ ngơi hay dùng thuốc giãn cơ trơn thì đỡ đau.
    • Đau mạn tính: bệnh nhân luôn có cảm giác nặng nề, đau tức khó chịu vùng thắt lưng (một bên hoặc hai bên), tính chất đau tăng khi vận động. Loại đau này thường gặp ở bệnh nhân có sỏi thận mà sỏi gây bít tắc không hoàn toàn.
  • Ấn các điểm đau niệu quản dương tính.
  • Đái ra máu

Bình thường đái máu vi thể, sau lao động vận động, xuất hiện đau và đái máu toàn bãi, nước tiểu có màu hồng như màu nước rửa thịt, không có máu cục.

  • Đái ra sỏi:

Đây là triệu chứng ít gặp, nhưng rất có giá trị chẩn đoán sỏi niệu quản.

  • Một số triệu chứng khác
    • Đái ra mủ: bệnh nhân đái đục toàn bãi, thường xuất hiện ở những bệnh nhân thận ứ mủ. Kèm theo bệnh nhân sốt cao, đau nhiều vùng thận.
    • Đái buốt: khi có nhiễm khuẩn niệu.
    • Đái rắt: khi có nhiễm khuẩn niệu.
    • Sốt: gặp khi bệnh nhân có biến chứng nhiễm khuẩn niệu, thường là sốt cao rét run
    • Nhức đầu, nôn và buồn nôn.
    • Huyết áp tăng cao.
    • Dấu hiệu chạm thận (+), bập bềnh thận (+) khi thận giãn to.

3. Biến chứng của sỏi niệu quản

3.1. Giãn đài bể thận và thận ứ niệu:

Sỏi niệu quản gây cản trở lưu thông của đường bài xuất nước tiểu gây ứ trệ đường niệu phía trên dẫn đến giãn đài bể thận, sau đó ứ nước tăng dần nên làm căng giãn và chèn ép nhu mô thận dẫn đến tình trạng suy giảm dần chức năng thận và mất hoàn toàn chức năng thận nếu không được xử trí kịp thời.

3.2. Sỏi niệu quản gây nhiễm khuẩn hệ tiết niệu

Sỏi niệu quản gây ra các tình trạng nhiễm khuẩn như viêm bể thận thận, viêm khe thận,…. Tình trạng nhiễm trùng kết hợp với ứ niệu gây thận ứ mủ, hoặc hư máu thận. Nặng hơn có thể gây ra nhiễm khuẩn huyết.

3.3. Sỏi niệu quản gây tình trạng viêm kẽ thận mãn tính

Tình trạng mắc sỏi niệu quản kéo dài có thể dẫn đến tình trạng sơ teo thận, tăng huyết áp.

3.4. Sỏi niệu quản gây suy thận

Thường gặp trong trường hợp sỏi niệu quản cả hai bên hệ tiết niệu hoặc sỏi trên thận đơn độc, đây là biến chứng nặng nề. Có thể  gặp suy thận cấp hoặc suy thận mãn và các mức độ suy thận nặng nhẹ khác nhau tuỳ thuộc vào đặc điểm của sỏi.

3.5. Sỏi niệu quản gây ra viêm loét và xơ hoá

Thường xảy ra tại vị trí sỏi niệu quản, đây là nguyên nhân gây chít hẹp đường niệu sau khi đã phẫu thuật lấy sỏi niệu quản

4. Điều trị sỏi niệu quản

Có nhiều phương pháp điều trị sỏi niệu quản

Có nhiều phương pháp điều trị sỏi niệu quản

Trong các bệnh về sỏi tiết niệu, sỏi niệu quản là bệnh nguy hiểm và nhiều trường hợp rất khó điều trị. Vậy khi có những dấu hiệu nào thì các bạn cần tới bệnh viện, phòng khám chuyên khoa để có thể kịp thời điều trị và tránh các biến chứng của sỏi niệu quản? Khi sỏi niệu quản kèm theo đau tức hông lưng, buồn nôn, mệt nhiều, sốt rét run, đái ra máu, đái ra mủ,… là những dấu hiệu sớm gợi ý các biến chứng của sỏi niệu quản. Chúng ta cần tới bệnh viện, phòng khám chuyên khoa khám để phát hiện và điều trị sớm các biến chứng sỏi niệu quản.

Đối với sỏi niệu quản nhỏ, chưa gây ra biến chứng gì, có thể dùng các loại thuốc làm tan sỏi.

Trường hợp sỏi niệu quản to, gây ra nhiều biến chứng, nên áp dụng các biện pháp phẫu thuật xâm lấn. Các phương pháp phổ biến là mổ hở lấy sỏi trực tiếp ra ngoài, hoặc tán sỏi bằng laser, phẫu thuật nội soi lấy sỏi sau phúc mạc, tán sỏi qua da ngoài cơ thể. Mỗi phương pháp đều có ưu nhược điểm riêng, tùy thuộc vào cơ địa, tình trạng bệnh và các bệnh lý kèm theo để có hướng giải quyết phù hợp. Trong đó, tán sỏi laser hiện là phương pháp được áp dụng phổ biến nhất.

Nếu phát hiện sớm sỏi niệu quản và có biện pháp xử lý kịp thời thì hoàn toàn có thể chữa sỏi tận gốc. do đó, chúng ta có thể đề phòng sỏi niệu quản tái phát bằng cách xử lý dứt điểm các nguyên nhân, yếu tố thuận lợi dẫn đến sỏi niệu quản. Nếu sỏi là do các bệnh toàn thân khác như bệnh gút, cường tuyến cận giáp trạng, viêm lao, giang mai,… thì cần chữa trị triệt để các bệnh này. Thực đơn ăn uống hàng ngày chúng ta nên ăn nhiều rau xanh, trái cây, uống đủ ngày 2-3 lít nước, kiêng ăn mặn, hạn chế ăn thịt động vật và có thể sử dụng sản phẩm giúp ngăn ngừa tái phát.

Hy vọng thông qua bài viết này đã cung cấp thêm cho các bạn các những kiến thức hữu ích, và giúp các bạn trả lời câu hỏi Nguyên nhân, dấu hiệu và điều trị sỏi niệu quản như thế nào? Chúc các bạn luôn khỏe mạnh.