Sỏi thận 10mm là sỏi không nhỏ ở trên thận nhưng thường không gây tắc nghẽn đường bài xuất. Tùy vào vị trí và hình dạng viên sỏi mà mức độ nghiêm trọng của bệnh cũng như cách điều trị sỏi rất khác nhau. Vậy, sỏi thận 10mm là gì, mức độ nguy hiểm của bệnh ra sao, cách điều trị sỏi như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết sau đây!
1. Sỏi thận 10mm là gì?
Sỏi thận là một bệnh diễn biến âm thầm, trải qua thời gian dài, dưới các nguyên nhân khác nhau , các chất khoáng (calci, oxalat,…) dần lắng đọng và kết tinh lại với nhau tại đài, bể thận để tạo thành sỏi.
Sỏi thận 10mm là những viên sỏi hình thành và nằm ở trên thận, có kích thước nhỏ và thường không gây tắc nghẽn đường bài xuất nước tiểu. Do vậy, các biểu hiện sớm của sỏi tiết niệu như: đau âm ỉ vùng thắt lưng- hông lan xuống vùng sinh dục cùng bên; rối loạn tiểu tiện( tiểu đục, tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu máu,…) thường không điển hình hoặc đôi khi bệnh diễn biến âm thầm không có triệu chứng gì cả.
Sỏi thận gây đau âm ỉ vùng thắt lưng hông
Đa số các trường hợp phát hiện qua khám sức khỏe định kì bằng siêu âm ổ bụng vừa đơn giản, vừa có thể chỉ rõ vị trí, hình dạng, kích thước viên sỏi để chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị phù hợp.
2. Sỏi thận 10mm có nguy hiểm không?
Sỏi thận 10mm, nếu viên sỏi không di chuyển hoặc được điều trị hợp lý thì thường không gây nguy hiểm cho người bệnh. Tuy nhiên, khi không được điều trị kịp thời, viên sỏi 10mm với những góc cạnh sắc nhọn, có thể di chuyển trong thận- niệu quản làm tổn thương mô hoặc bị mắc lại ở niệu quản( đặc biệt tại những vị trí niệu quản hẹp tự nhiên) sẽ gây ra một hoặc nhiều biến chứng nguy hiểm sau:
2.1. Tổn thương thận- niệu quản:
Viên sỏi 10mm có hình dạng xù xì, góc cạnh sắc nhọn khi di chuyển có thể làm rách xước các mô gây chảy máu, biểu hiện rõ nhất là xuất hiện máu trong nước tiểu và cảm giác tiểu buốt.
2.2. Tắc niệu quản:
Trường hợp viên sỏi bị tắc lại tại niệu quản sẽ có các biểu hiện rầm rộ điển hình như: cơn đau quặn thận( đau từng cơn dữ dội vùng thắt lưng, co cứng cơ thắt lưng, đau thường lan xuống vùng sinh dục cùng bên hoặc vùng bụng dưới, mà thuốc giảm đau không thể cắt cơn đau); rối loạn tiểu tiện( tiểu đục, tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu máu hoặc không tiểu được), có thể nôn, trướng bụng,…
Ngoài ra, tắc niệu quản khiến nước tiểu bị ứ đọng ở thận gây bí tiểu, giãn bể thận, làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn tiết niệu, nguy hiểm nhất là gây suy giảm chức năng thận.
2.3. Viêm, nhiễm khuẩn tiết niệu:
Sỏi tích tụ lâu tại thận cùng với nguy cơ tổn thương thận do sỏi đều là những yếu tố thuận lợi cho vi khuẩn phát triển trong đường tiết niệu gây nên các viêm nhiễm tại đường tiết niệu. Bệnh nhân có nhiễm khuẩn tiết niệu sẽ có sốt, tiểu buốt, tiểu đục,… Nặng hơn, bệnh có thể tiến triển thành nhiễm khuẩn huyết với bệnh cảnh vô cùng trầm trọng.
2.4. Rối loạn chức năng thận:
Nhu mô thận bị tổn thương và phá hủy dần do ứ nước, nhiễm trùng, gây rối loạn chức năng; khi tình trạng này kéo dài, không được điều trị đúng sẽ dẫn đến xơ hóa, suy thận.
2.5. Vỡ thận:
Do thận bị ứ nước làm tăng áp lực gây vỡ thận đột ngột nếu không được can thiệp kịp thời, nguy cơ xảy ra cao trên những bệnh nhân có vách thận mỏng. Đây là một tai biến nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng người bệnh.
=> Có thể thấy rằng, các biến chứng nguy hiểm của sỏi thận 10mm kể trên đa phần là do không được phát hiện sớm và xử lý kịp thời, đúng cách. Vì vậy, bạn nên thường xuyên khám sức khỏe định kì hoặc ngay khi phát hiện có các dấu hiệu sớm của bệnh.Tuy nhiên, câu hỏi tiếp theo cần đặt ra là, điều trị sỏi thận 10mm bằng phương pháp nào để đạt hiệu quả tối ưu nhất?
3. Phương pháp điều trị sỏi thận 10mm:
Về mặt chuyên môn, cân nhắc lựa chọn phương pháp điều trị sỏi thận 10mm tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể: số lượng viên sỏi( một hay nhiều viên); hình dạng( sỏi hình khối khá trơn nhẵn hay sỏi san hô); vị trí sỏi( sỏi đài thận, sỏi bể thận, sỏi đài bể thận); loại sỏi( sỏi calci, sỏi struvite, sỏi cystin,…); hay đã có biến chứng do sỏi hoặc bệnh lý kèm theo không,…Hiện nay, có rất nhiều phương pháp điều trị sỏi thận:
3.1. Điều trị nội khoa tích cực tống sỏi( MET):
- Một số trường hợp sỏi thận 10mm cũng có thể được điều trị bằng phương pháp nội khoa tích cực tống sỏi, ví dụ như trường hợp bệnh nhân đã từng đái ra sỏi nhiều lần.
- Người bệnh chỉ cần dùng thuốc mà không phải trải qua bất cứ can thiệp ngoại khoa nào nhưng cần được theo dõi sát về tình trạng nhiễm khuẩn, chức năng thận và sự tống sỏi trong quá trình điều trị.
- Nếu điều trị nội khoa thất bại thì phải can thiệp ngoại khoa lấy sỏi.
3.2. Tán sỏi ngoài cơ thể( ESWL):
- Là một phương pháp dùng sóng xung kích bên ngoài cơ thể để tạo áp lực lớn phá vỡ viên sỏi, rồi sau đó vụn sỏi sẽ tự theo đường bài xuất ra ngoài.
- Với trường hợp sỏi thận 10mm, ESWL được chỉ định: với mọi loại sỏi, hình dạng sỏi; số lượng sỏi không nên quá 3 viên, chưa có biến chứng do sỏi, trường hợp sót sỏi sau tán bằng phương pháp khác hay cả trên bệnh nhân có thận móng ngựa thì hiệu quả cũng khá cao( khoảng 80%).
- Ưu điểm của ESWL rất vượt trội: Đây là một can thiệp không xâm lấn, không tạo đường mổ, không chảy máu, không đau, thời gian can thiệp nhanh, ít biến chứng, bệnh nhân không phải nằm viện sau mổ, phục hồi nhanh và chi phí lại khá rẻ,…
3.3. Tán sỏi ống mềm( RIRS):
- Là dùng ống nội soi mềm ngược dòng đường niệu đến vị trí sỏi ở đài, bể thận để tán vụn sỏi và bơm rửa, lấy mảnh sỏi ra ngoài.
- Chỉ định: điều trị tốt sỏi thận 10mm, ngay cả khi số lượng sỏi một hay nhiều viên,vị trí sỏi khó tiếp cận, các trường hợp sót sỏi, tái phát sau mổ, hay có thể phối hợp điều trị cùng các phương pháp khác.
- Ưu điểm: chỉ định rộng, ít xâm lấn, không có vết mổ, không gây chảy máu, thời gian can thiệp nhanh, bảo tồn được tối đa chức năng thận nên hồi phục nhanh, bệnh nhân cần phải nằm viện một thời gian ngắn sau mổ nhưng chi phí can thiệp vẫn còn khá cao.
3.4. Tán sỏi qua da:
- Là tạo một đường hầm nhỏ từ bên ngoài vào thận rồi đưa ống nội soi vào làm vụn sỏi và lấy sỏi ra ngoài.
- Chỉ định: điều trị tốt sỏi thận 10mm cả khi: sỏi san hô, sỏi quá cứng, hay sỏi nhóm đài dưới, trường hợp dị dạng đường niệu, sót sỏi sau mổ hoặc chống chỉ định với tán sỏi ngoài cơ thể.
- Phương pháp giúp người bệnh tránh một cuộc mổ lớn, ít đau, ít sang chấn, hồi phục khá nhanh sau mổ. Tuy nhiên chi phí còn cao, vẫn gây vết mổ chảy máu, bệnh nhân phải nằm viện một thời gian sau mổ.
3.5. Mổ mở lấy sỏi:
- Phương pháp can thiệp trực tiếp mở đài bể thận để lấy sỏi
- Chỉ định khi bệnh nhân sỏi thận 10mm đã có biến chứng do sỏi hoặc có chống chỉ định hay thất bại với điều trị bằng các phương pháp khác.
4. Người mắc sỏi thận nên và không nên làm gì?
Nếu chỉ có điều trị như trên thì sẽ là chưa đủ với bệnh nhân sỏi thận vì bệnh có thể tái phát với tỉ lệ khá cao. Do vậy, việc duy trì một lối sống lành mạnh, một chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý là vô cùng quan trọng để ngăn tạo sỏi tái phát:
4.1. Nên:
- Đảm bảo uống đủ nước: lượng nước cần thiết cho 1 người/ ngày( lít) = trọng lượng cơ thể( kg)x 0.033, nếu có thêm hoạt động thể lực nhiều thì bổ sung thêm khoảng 350 ml nước.
- Tập luyện thể dục thể thao hợp lý
- Khám định kỳ để phát hiện và điều trị sớm, triệt để sỏi thận, hạn chế các biến chứng
- Điều trị triệt để các nhiễm khuẩn tiết niệu
- Hạn chế khẩu phần ăn chứa nhiều thành phần tạo sỏi thận như: khẩu phần ăn giàu calci, oxalat,…
- Dùng thêm sản phẩm Tống Thạch Hoàn để hạn chế tối đa nguy cơ sỏi tái phát
4.2. Không nên:
- Nhịn tiểu
- Dùng 1 số thuốc làm tăng lắng đọng sỏi: Acyclovir, glucocorticoid, theophylin, vtm C, D,…
=>Nhìn chung, sỏi thận 10mm không nguy hiểm nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng ngay khi chưa có biến chứng. Có nhiều phương pháp điều trị sỏi thận 10mm và mỗi phương pháp lại có ưu nhược điểm riêng. Vậy nên, để có câu trả lời chính xác phương pháp nào là tốt nhất, bạn cần nhận được tư vấn từ các bác sĩ chuyên khoa tiết niệu vì việc điều trị phải dựa trên từng trường hợp cụ thể; để đảm bảo chỉ định điều trị không chỉ đúng chuyên môn mà còn phù hợp với điều kiện chi trả, nhằm mang lại lợi ích tối đa về kinh tế và sức khỏe cho người bệnh.
Chúng tôi hi vọng bài viết trên hữu ích với bạn. Chúc bạn và gia đình luôn có sức khỏe tốt!