Sỏi thận là tình trạng bệnh lý thường gặp nhất trong các bệnh thận tiết niệu. Sỏi thận nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời dễ gây ra các biến chứng nhiễm trùng , suy thận cấp, suy thận mạn. Tùy thuộc vào tính chất, hình dạng, vị trí kích thước viên sỏi chúng ta có thể lựa chọn những phương pháp điều trị nội ngoại khoa khác nhau. Vậy sỏi thận 3 mm thì điều trị ra sao? Có nên phẫu thuật không? Nếu không phẫu thuật thì điều trị bằng thuốc nam hay thuốc tây?
1. Kích thước sỏi thận bao nhiêu thì nguy hiểm? Sỏi thận 3mm có nguy hiểm không?
Sỏi thận là gì? Khi thận lọc chất thải từ máu để tạo nước tiểu, đôi khi muối và các khoáng chất khác trong nước tiểu dính vào nhau tạo thành sỏi thận.
Kích thước của những viên sỏi này có thể ngang với một tinh thể đường cho đến một quả bóng bàn. Chúng chỉ được phát hiện tình cờ hoặc khi gây ra cơn đau dữ dội do bị đẩy vào niệu quản.
Nếu bạn bị sỏi thận tất nhiên bạn muốn sỏi và cơn đau đi càng nhanh càng tốt. Sỏi thận có kích thước càng nhỏ càng có nhiều khả năng được đào thải ra ngoài. Nếu nó nhỏ hơn 5mm, có 90% khả năng nó sẽ được đào thải mà không cần can thiệp gì thêm. Nếu sỏi nằm trong khoảng 5mm đến 10 mm tỉ lệ này là 50%. Viên sỏi có kích thước lớn hơn để có thê đi ra ngoài cần một số biện pháp can thiệp ngoại khoa.
Vậy sỏi 3mm có nguy hiểm không? Loại sỏi 3mm thông thường cũng không gây quá nhiều nguy hiểm, chúng ta có thể sử dụng một số loại thuốc để đẩy viên sỏi ra. Tuy vậy nếu viên sỏi này để quá lâu và to hơn thì có thể gây các biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng, suy thận…
2. Sỏi thận 3 mm điều trị như thế nào?
Đối với sỏi thận có kích thước nhỏ ( bé hơn 5mm) và không gây biến chứng giãn hệ tiết niệu bệnh nhân được chỉ định nội khoa bảo tồn. Do đó để điều trị sỏi thận 3mm nên theo những biện pháp và hướng dẫn sau đây:
- Chế độ dinh dưỡng cho người bị sỏi thận:
- Uống thật nhiều nước: Với những viên sỏi nhỏ hơn 5mm bạn nên uống nhiều nước (nước đun sôi để nguội là tốt nhất) để có thể tiểu ra sỏi. Việc uống nhiều nước cũng giúp phòng bệnh, nên uống hơn 2 lít nước mỗi ngày, nếu thời tiết nắng nóng hoặc làm việc trong môi trường nóng bức thì cần uống nhiều nước hơn nữa. Mục đích của việc uống nhiều nước là gây tình trạng lợi niệu giúp đẩy viên sỏi ra ngoài, tạo cho đường tiểu thông suốt, các chất đào thảo không bị lắng đọng tạo sỏi.
-
- Ăn ít thực phẩm giàu oxalate: Những bệnh nhân có nguy cơ tạo sỏi oxalate cần hạn chế sử dụng các thực phẩm giàu oxalate. Những thực phẩm này bao gồm: củ cải đường, đậu bắp, rau bina, khoai lang, các loại hạt, socola, trà, socola và các sản phẩm đậu nành…
- Ăn ít protein: Bổ sung nhiều protein có thể khiến bạn bị sỏi thận. Hiện nay trong thực đơn hằng ngày của chúng ta cung cấp nhiều protein hơn nhu cầu cơ thể. Theo khuyến cáo lượng protein trung bình cho người trưởng thành là 0,8 gram protein cho 1 kg cơ thể. Điều này có nghĩa 1 người cân nặng 50 kg chỉ cần 40 gram protein mỗi ngày.
- Ăn nhạt: Đối với người trưởng thành lượng natri được khuyến cáo là 2400 mg. Natri làm canxi hóa nước tiểu tăng lên tâng nguy cơ sỏi thận.
- Ăn các thực phẩm nhiều citrate: Citrate là chất ức chế tạo sỏi thận. Citrate có nhiều trong cam, chanh, bưởi vì vậy nên đưa những trái cây này vào thực đơn hằng ngày của bạn.
- Điều trị sỏi thận bằng thuốc tây:
- Thuốc có thể kiểm soát khoáng chất và muối trong nước tiểu của bạn, có thể ngăn ngừa một số loại sỏi. Bác sĩ sẽ kê đơn phụ thuộc vào loại sỏi của bạn:
- Sỏi canxi: Để giúp ngăn ngừa sỏi canxi hình thành bác sĩ có thể kê toa lợi tiểu thiazide hoặc chế phẩm có chứa phosphat.
- Sỏi Urat: Bác sĩ có thể kê đơn allopurinol để làm giảm nồng độ acid uric trong máu và trong nước tiểu của bạn và một loại thuốc làm kiềm nước tiểu. Trong một số trường hợp allopurinol và một loại thuốc làm kiềm nước tiểu có thể hòa tan sỏi urat.
- Sỏi Struvite: Để ngăn hình thành sỏi struvite, bác sĩ có thể đề xuất các chiến lược giữ cho nước tiểu của bạn không bị nhiễm trùng. Sử dụng kháng sinh lâu dài với liều nhỏ có thể đạt được mục đích này.
- Sỏi cystine: Sỏi cystine khó điều trị, bác sĩ có thể khuyên bạn nên uống nhiều nước hơn để tiểu nhiều hơn. Đồng thời có thể kê đơn thuốc làm giảm lượng cystine trong nước tiểu của bạn
- Điều trị sỏi thận bằng Đông y:
Theo Đông y sỏi thận được gọi là thạch lâm. Nguyên nhân thường do ăn nhiều thức ăn cay nóng, sinh thấp nhiệt uất kết lâu ngày dồn xuống bàng quang làm cho khí hóa trở trệ, không thông. Tiếp đó thận âm hao tổn, âm hư hỏa đạm ảnh hưởng tới tác dụng khí hóa của bàng quang làm cho tạp chất của nước tiểu kết lại mà thành sỏi.
Một số bài thuốc:
-
- Kim tiền thảo còn gọi là đồng tiền lông, vị này dùng cả thân, rễ và lá. Tác dụng: chữa sỏi thận, bài thạch, thông lâm, lợi tiểu, đái buốt và đái rắt.
- Trach tả hay còn gọi là mã đề nước, bộ phận dùng chủ yếu là củ, công dụng chính là thông tiểu tiện, chũa phù thũng, đái buốt.
- Ngưu tất, dùng rễ và thân, công dụng chữa ứ huyết, đặc biệt tiểu tiện ra máu rất tốt.
- Sa tiền tử, hạt của cây bông mã đề có tác dụng chữa phù thủng, ứ tiểu tiện, lợi tiểu.
- Kê nội kim Phần màng trong của mề gà: có tác dụng chữa sỏi thận rất tốt.
Tóm lại, đối với những sỏi có kích thước nhỏ (<5mm) có thể được đào thải tự nhiên qua nước tiểu nếu bạn thực hiện nghiêm túc các chế độ nước uống, dinh dưỡng, và sử dụng thuốc. Bạn nên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện, quản lý và lựa chọn phương pháp điều trị sỏi tất nhất, hạn chế những biến chứng do sỏi có thể xảy ra.