Sỏi tiết niệu bao gồm sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang, thậm chí là sỏi niệu đạo (do sỏi phía trên di chuyển xuống kẹt lại ở niệu đạo). Sỏi tiết niệu là một bệnh lý rất phổ biến, chiếm gần ½ các bệnh lý hệ tiết niệu. Bệnh có thời gian diễn biến qua nhiều năm và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như thận ứ nước, ứ mủ, nhiễm khuẩn tiết niệu hay suy thận. Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh, bệnh thường gặp ở người trưởng thành và rất hay tái phát.
1. Sỏi tiết niệu là gì?
– Sỏi tiết niệu là tình trạng xuất hiện các khối rắn nằm trong đường tiết niệu bao gồm sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang, sỏi niệu đạo. Đa số sỏi được hình thành ở trên thận rồi theo nước tiểu di chuyển đến các vị trí khác của đường tiết niệu như niệu quản, bàng quang, niệu đạo.
– Sỏi tiết niệu chiếm 45-50% các bệnh về tiết niệu ở nước ta.
– Bệnh chủ yếu gặp ở người trưởng thành, trong đó lứa tuổi từ 30-60 tuổi chiếm 75-80%. Nam giới (60%) có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nữ giới (40%).
– Các yếu tố về địa dư, khí hậu và chế độ ăn uống, sinh hoạt ảnh hưởng tới sự hình thành sỏi.
2. Nguyên nhân gây bệnh.
2.1. Cấu trúc, thành phần hóa học của sỏi.
– Sỏi oxalat calci và sỏi phosphat calci chiếm 65-70%.
– Sỏi phosphat amoni magnesi (PAM) do vi khuẩn lên men ure gây nên chiếm 15-20%.
– Các sỏi hình thành do chuyển hóa: acid uric (10%), cystin.
– Cấu trúc của sỏi là một mạng lưới hữu cơ cùng với sự lắng đọng của các chất vô cơ như calci, phosphat.
2.2 Nguyên nhân.
Các nguyên nhân chính gây nên sỏi tiết niệu gồm:
– Thói quen uống ít nước, mất nước, nhịn tiểu thường xuyên.
– Chế độ ăn uống không hợp lý: ăn mặn, nhiều đường, chế độ ăn nhiều đạm, các loại thực phẩm giàu oxalat, nhịn ăn sáng….
– Sử dụng không đúng chỉ định các thuốc lợi tiểu, kháng sinh nhóm penicilin, nhóm cephalosporin, các thuốc nhuận tràng…trong một thời gian dài.
– Rối loạn chuyển hóa gây tăng calci máu và calci niệu.
– Dị dạng đường tiết niệu bẩm sinh hoặc có hẹp đường tiết niệu mắc phải gây ứ đọng nước tiểu tạo điều kiện thuận lợi hình thành nên sỏi.
– Một số người có nguy cơ mắc sỏi tiết niệu cao hơn những người khác như: người thừa cân, béo phì, ít vận động, nam giới có nguy cơ mắc sỏi tiết niệu cao hơn nữ giới, người cao tuổi, người có bệnh lý phì đại tuyến tiền liệt, tăng huyết áp, bệnh gút, người bất động nằm lâu một chỗ, nhiễm khuẩn tiết niệu tái đi tái lại, tiền sử gia đình có người mắc bệnh sỏi tiết niệu….
3. Triệu chứng.
Sỏi tiết niệu có triệu chứng lâm sàng khá phong phú. Ban đầu khi mới hình thành sỏi có kích thước nhỏ đa phần sẽ không biểu hiện có triệu chứng gì, khi sỏi tăng kích thước gây chèn ép hay di chuyển thì người bệnh mới biểu hiện các triệu chứng. Các triệu chứng thường gặp của sỏi tiết niệu gồm:
– Đau vùng hông lưng là biểu hiện đầu tiên và hay gặp nhất trong bệnh lý sỏi tiết niệu. Bệnh nhân đau âm ỉ kéo dài hay sẽ có những cơn đau quặn thận tùy thuộc vào tính chất và vị trí của viên sỏi, cơn đau có thể xuất hiện tự nhiên, đột ngột hay sau một vận động gắng sức, đau giảm khi dùng thuốc giảm đau, giãn cơ và nghỉ ngơi. Đau có thể kèm theo cảm giác chướng bụng, nôn, buồn nôn…
– Bất thường khi bệnh nhân đi đái hay gặp đái buốt, đái rắt, đái khó, có thể đái máu vi thể hoặc đái máu đại thể.
– Có thể có nhiễm khuẩn tiết niệu biểu hiện: sốt cao, rét run, nước tiểu đục.
4. Chẩn đoán sỏi tiết niệu.
– Để chẩn đoán bệnh sỏi tiết niệu thì ngoài việc thăm khám phát hiện các triệu chứng lâm sàng, khai thác tiền sử của bệnh nhân thì cần cho bệnh nhân chụp Xquang hệ tiết niệu, siêu âm. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp Xquang không thể phát hiện sỏi tiết niệu không cản quang, ta cần phải sử dụng các phương tiện chẩn đoán khác như chụp niệu đồ tĩnh mạch (UIV) hay chụp CT scan, MRI để phát hiện những sỏi có kích thước nhỏ.
– Hiện nay phương pháp siêu âm được áp dụng rộng rãi trong chẩn đoán sỏi tiết niệu với nhiều ưu điểm như đánh giá nhanh được số lượng, kích thước và vị trí của viên sỏi, đồng thời biết được tình trạng của đường tiết niệu (thận có ứ nước, ứ mủ không, các đài bể thận, niệu quản có giãn không, bàng quang có viêm, phù nề hay không….).
– Các xét nghiệm khác: chức năng thận (ure máu, creatinin máu), tổng phân tích nước tiểu, điện giải đồ, xác định hồng cầu, bạch cầu, trụ hạt hay trụ niệu trong nước tiểu, các trường hợp nghi ngờ có nhiễm khuẩn tiết niệu thì nên cấy nước tiểu tìm vi khuẩn, làm kháng sinh đồ…
5. Biến chứng.
Sỏi tiết niệu nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm:
– Ứ nước thận, giãn đài bể thận.
– Áp xe thận, viêm đài bể thận, viêm quanh thận xơ hóa, viêm thận kẽ.
– Nhiễm khuẩn tiết niệu, có thể dẫn tới shock nhiễm khuẩn.
– Tăng ure huyết, tăng huyết áp do sỏi san hô gây thiếu máu nhu mô thận, teo thận.
– Thận mất chức năng, suy thận là biến chứng nặng nề nhất.
6. Điều trị.
Có rất nhiều phương pháp điều trị sỏi tiết niệu tùy thuộc vào vị trí, kích thước, tính chất của sỏi, chức năng thận…
6.1. Điều trị nội khoa.
Đối với những sỏi có kích thước nhỏ, chưa gây biến chứng, chức năng thận 2 bên tốt thì điều trị nội khoa đặt lên hàng đầu. Cho bệnh nhân uống nhiều nước, sử dụng các thuốc giãn cơ trơn, thuốc lợi tiểu, các thuốc được bào chế từ thảo dược như kim tiền thảo, mã đề, râu ngô…. giúp giảm kích thước của viên sỏi và đào thải ra khi bệnh nhân tiểu tiện. Theo dõi tình trạng bệnh bằng siêu âm 1-2 tháng/lần. Khi có các triệu chứng đau, nhiễm trùng đường tiết niệu thì sử dụng thêm các thuốc giảm đau và kháng sinh theo kháng sinh đồ.
6.2. Điều trị can thiệp ngoại khoa.
– Tán sỏi ngoài cơ thể: là phương pháp can thiệp nhẹ nhàng, áp dụng cho sỏi có kích thước nhỏ dưới 15mm, sử dụng sóng xung kích làm vỡ sỏi tạo thành những mảnh nhỏ thoát ra ngoài theo nước tiểu.
– Tán sỏi nội soi ngược dòng: ống nội soi được đưa vào niệu đạo của bệnh nhân đi ngược lên bàng quang, niệu quản để tiếp cận với viên sỏi, sử dụng nguồn năng lượng laser để tán vỡ sỏi, sau đó hút các mảnh vụn ra ngoài.
– Tán sỏi qua da: là một can thiệp kỹ thuật cao, ít xâm lấn, phẫu thuật ít đau, sẹo mổ nhỏ, thời gian nằm viện sau phẫu thuật ngắn. Qua lỗ chọc dò ở thành bụng, nhu mô thận vào thận, máy nội soi được đưa vào tán sỏi, sau đó rút các mảnh vụn ra ngoài.
– Mổ nội soi sau phúc mạc: được sử dụng khi không thực hiện được hay thực hiện không có hiệu quả các phương pháp điều trị ít xâm lấn ở trên hoặc không đủ trang thiết bị.
– Mổ mở lấy sỏi: áp dụng với các trường hợp sỏi có kích thước lớn ở bàng quang.
7. Cách phòng bệnh.
Để tránh mắc sỏi tiết niệu chúng ta nên:
– Uống đủ nước mỗi ngày từ 2.5 – 3 lít nước, tốt nhất là nước lọc, có thể sử dụng thêm các loại nước cam, chanh. Tránh để cơ thể rơi vào tình trạng mất nước.
– Hạn chế sử dụng các loại rượu, bia, cà phê nước có ga và các loại nước giải khát khác.
– Chế độ ăn ít muối, đường.
– Giảm lượng đạm động vật cung cấp mỗi ngày, hạn chế sử dụng các đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, đồ đóng hộp.
– Bổ sung các thực phẩm có chứa nhiều calci, hạn chế các sản phẩm chứa nhiều oxalat như sô cô la, trà…
– Tăng cường các hoạt động thể dục thể thao, kiểm soát cân nặng, hạn chế ngồi lâu một chỗ.
– Không nhịn tiểu.
– Sử dụng một số loại thuốc theo đúng chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.
– Nếu có các biểu hiện đái buốt, đái khó, đau vùng thắt lưng… thì nên đến các cơ sở chuyên khoa để được phát hiện và điều trị sớm, tránh các biến chứng nguy hiểm do sỏi tiết niệu gây ra.
– Người bệnh có thể tham khảo một số bài thuốc từ thiên nhiên có thành phần như Kim Tiền Thảo, Thạch Vĩ, Hải Kim Sam, Râu Ngô,… có tác dụng thanh nhiệp trừ thấp, lợi niệu tiêu viêm, thông lâm bài thạch nên hỗ trợ đào thải sỏi và phòng ngừa tái phát hiệu quả. Bạn có thể tham khảo sản phẩm bảo vệ sức khỏe Viên Tán Sỏi – Tống Thạch Hoàn được chiết xuất từ 16 loại thảo dược không những bài sỏi tống sạch sỏi vụn mà còn tác dụng đối với bệnh nhân có cơ địa tạo sỏi.