Tán sỏi nội soi là 1 phương pháp hiện đại và hiệu quả được áp dụng điều trị tại Việt Nam trong những năm gần đây. Hiện nay các phương pháp tán sỏi như tán sỏi ngoài cơ thể , tán sỏi qua da đường hầm nhỏ, tán sỏi niệu quản qua nội soi lazer, tán sỏi nội soi ống mềm là những kỹ thuật ưu việt nhất đem lại hiệu quả tốt và được áp dụng điều trị cho trên 70 % các trường hợp sỏi tiết niệu.

Tán sỏi nội soi là gì và quy trình thực hiện tán sỏi như thế nào ?

Tán sỏi nội soi niệu quản ngược dòng là phương pháp sử dụng các nguồn năng lượng như: xung hơi, thủy điện lực, siêu âm và laser được đưa tới vị trí của sỏi thông qua đường bài xuất nước tiểu để tán nhỏ và đưa sỏi ra ngoài.

Hình ảnh vị trí sỏi khi chụp X-Quang

Hình ảnh vị trí sỏi khi chụp X-Quang

Kỹ thuật nội soi niệu quản ngược dòng tán sỏi được thực hiện trong khi đã gây mê nội khí quản hoặc tê tuỷ sống. Quy trình của 1 ca nội soi tán sỏi ngược dòng bao gồm những bước cơ bản sau:

  • Chuẩn bị bệnh nhân được gây tê tủy sống hoặc gây mê.
  • Kỹ thuật được tiến hành khi ống soi niệu quản được đưa vào đường bài xuất nước tiểu: từ niệu đạo vào bàng quang đến lỗ niệu quản bên có sỏi để lên niệu quản hoặc bể thận và tới vị trí của sỏi tiếp cận tới viên sỏi.
  • Khi dụng cụ nội soi đến được vị trí cần thiết, một nguồn năng lượng xung  (lazer, thủy lực,siêu âm, xung hơi,…) sẽ được sử dụng với mục đích tán nhỏ viên sỏi.
  • Các mảnh sỏi được gắp ra ngoài bằng rọ hoặc kìm gắp sỏi. các mảnh sỏi nhỏ không thể gắp được sẽ được đưa ra ngoài qua đường bài xuất nước tiểu.
  • Đặt ống sonde JJ để dẫn lưu sỏi dự phòng.

Chỉ định và chống chỉ định của kỹ thuật nội soi tán sỏi

Chỉ định

  • Sỏi  niệu quản dưới kích thước <1 cm
  • Sỏi thận đơn giản.
  • Chức năng thận còn được bảo đảm,đường bài xuất nước tiểu bình thường, không có bệnh lý khác ở thận như u, polip , lao , bệnh lý mạch máu thận.

Chống chỉ định

  • Thận mất chức năng, các bệnh lý về thận chưa được điều trị ổn định.
  • Trường hợp nhiễm khuẩn cấp tính chưa được điều trị ổn định.
  • Có bất thường trên giải phẫu đường bài xuất nước tiểu.
  • Bất thường giải phẫu cột sống hoặc khớp háng.
  • Bệnh toàn thân nặng : đái tháo đường, suy tim, suy gan,…
  • Đang sử dụng thuốc chống đông, có rối loạn đông máu.
Tán sỏi nội soi

Tán sỏi nội soi

Các tai biến và biến chứng trong tán sỏi nội soi

Các tai biến và biến chứng sớm:

  • Biến chứng chảy máu.
  • Nhiễm khuẩn tiết niệu: Thời gian tán sỏi càng dài thì tỷ lệ nhiễm khuẩn tiết niệu càng cao, và tỷ lệ này không phụ thuộc vào việc sau can thiệp có còn dư sỏi hay không. Vì trong trường hợp sau can thiệp còn sỏi vụn sẽ được đặt sonde JJ để đảm bảo lưu thông nước tiểu bình thường.
  • Tổn thương niệu quản thường gặp gồm: Đụng dập niêm mạc niệu quản, thủng niệu quản, rách niệu quản, sỏi đẩy ra ngoài thành niệu quản, bong niêm mạc niệu quản, đứt niệu quản,.. Tùy theo mức độ tổn thương mà có những biện pháp xử lý khác nhau. Nặng nhất là đứt niệu quản lúc này sẽ được chuyển hướng phẫu thuật mổ mở. Xử trí tổn thương niêm mạc bằng cách đặt ống nội soi JJ từ 3-4 tuần.
  • Thất bại trong thủ thuật tán sỏi nội soi -> chuyển mổ mở.

Các tai biến và biến chứng xa

Kết quả theo dõi điều trị tán sỏi nội soi điều trị sỏi tiết niệu sau 1-4 năm xảy ra các biến chứng thường gặp sau :

  • Hẹp niệu quản: tùy theo mức độ hẹp niệu quản có thể sử dụng nội soi hoặc phẫu thuật cắt đoạn niệu quản.

Biện pháp theo dõi và ngăn ngừa biến chứng

  • Sau mổ 3-4 giờ, bệnh nhân nên ngồi dậy và vận động nhẹ nhàng tại giường
  • Uống nhiều nước 2-3 lít/ngày để tăng thải trừ những mảnh sỏi vụn còn sót lại.
  • Rút ống thông bàng quang 1 – 2 ngày sau mổ và ra viện: sinh hoạt trở lại bình thường, không cần sử dụng thuốc sau mổ.
  • Siêu âm kiểm tra sau 3 – 5 ngày. Ra viện sau 3-5 ngày. Kiểm tra và rút ống thông NQ sau 2 – 4 tuần.
  • Khám lại sau 2 tuần với phim chụp để xác định đã hết sỏi và rút sonde JJ.
  • Đánh giá kết quả theo dõi điều trị sỏi niệu quản bằng phẫu thuật tán sỏi nội soi sau 1 tháng, 2 tháng, 6 tháng và 12 tháng.
Thành quả sau khi tán sỏi nội soi

Thành quả sau khi tán sỏi nội soi

Chi phí điều trị 1 case tán sỏi nội soi

Chi phí tán sỏi nội soi khoảng 15 triệu, bao gồm:

  • Chi phí thủ thuật 7-10 triệu đồng
  • Chi phí ăn ở, di chuyển, người chăm sóc cũng không lớn do thời gian nằm viện ngắn.

Tán sỏi nội soi niệu quản ngược dòng có giá trị rất cao trong điều trị sỏi tiết niệu. Đây là phương pháp an toàn, tính hiệu quả cao với tỷ lệ thành công đạt 91% bệnh nhân và đạt 88.35% chung cho các vị trí sỏi niệu quản. 90% bệnh nhân được theo dõi xa với tỷ lệ kết quả tốt đạt 100%. Hẹp niệu quản dưới sỏi là nguyên nhân chính gây thất bại của tán sỏi nội soi ngược dòng và cần phải can thiệp phẫu thuật mở chiếm tỷ lệ 0.2%. Dù chi phí điều trị còn khá cao nhưng đây sẽ là phương pháp được chỉ định rộng rãi trong tương lai vì thời gian điều trị cũng như ưu điểm điều trị vượt trội của nó với những phương pháp khác.